RỐI LOẠN NGÔN NGỮ
(Thuật ngữ tiếng Anh: Language Disorder)
Định nghĩa
Rối loạn ngôn ngữ là một rối loạn nằm trong nhóm rối loạn giao tiếp (communication disorders). Nhóm rối loạn giao tiếp bao gồm những khiếm khuyết về ngôn ngữ, lời nói và giao tiếp. Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt, trước tiên chúng tôi sẽ đưa ra khái niệm phân biệt giữa lời nói, ngôn ngữ và giao tiếp:
💁♀️Lời nói là sự tạo ra âm thanh để diễn đạt, bao gồm chất lượng phát âm, sự trôi chảy, giọng nói và được sự hưởng ứng (đáp lại) của ai đó .
💁♀️Ngôn ngữ bao gồm hình thức, chức năng và việc sử dụng một hệ thống ký hiệu được quy ước (tức là lời nói, chữ viết, hình ảnh, ngôn ngữ ký hiệu) theo cách thức có quy tắc để giao tiếp.
💁♀️Giao tiếp bao gồm mọi hành vi bằng lời nói hoặc không lời (dù cố ý hay vô ý) có ảnh hưởng đến hành vi, ý tưởng hoặc thái độ của người khác.
Việc đánh giá khả năng nói, ngôn ngữ và giao tiếp phải tính đến bối cảnh văn hóa và ngôn ngữ, đặc biệt là đối với những trẻ lớn lên trong môi trường song ngữ. Các loại rối loạn giao tiếp được chẩn đoán bao gồm: rối loạn ngôn ngữ (language disorder), rối loạn âm thanh lời nói (speech sound disorder), rối loạn liên quan đến sự trôi chảy khởi phát thời thơ ấu (childhood-onset fluency disorder) (còn được gọi là nói lắp), rối loạn giao tiếp xã hội (social communication disorder) và các rối loạn giao tiếp cụ thể và không xác định khác.Trong bài viết này chúng tôi sẽ tập trung vào một số vấn đề liên quan đến rối loạn ngôn ngữ.
✍️Rối loạn ngôn ngữ là rối loạn gây ra khó khăn dai dẳng, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận (hiểu) hay diễn đạt ý tưởng và cảm xúc theo các phương thức (tức là ngôn ngữ nói, viết, ngôn ngữ ký hiệu hoặc khác). Nó bao gồm các vấn đề như:
Thiếu hụt vốn từ vựng (hiểu biết và sử dụng từ)
Cấu trúc câu hạn chế (bỏ sót chủ ngữ hay bổ ngữ của câu, khả năng ghép các từ lại với nhau để tạo thành câu dựa trên các quy tắc ngữ pháp và hình vị)
Khó khăn về diễn đạt (khả năng sử dụng từ vựng và kết nối các câu để giải thích hoặc miêu tả một chủ đề, chuỗi sự kiện, hội thoại)
Các dạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em
Trẻ em đến với thế giới gần như được lập trình sẵn để học ngôn ngữ của môi trường sống. Nhưng mặc dù việc học đọc, nói và hiểu giao tiếp xung quanh dường như tự động đối với một đứa trẻ thì tốc độ học những kỹ năng này vẫn có sự khác nhau giữa các trẻ. Với ngôn ngữ, có những thành tựu cụ thể được mong đợi khi trẻ đến một độ tuổi phát triển nhất định nhưng trong một số trường hợp, trẻ có thể không đạt được những thành tựu này. Đôi khi, một đứa trẻ có thể sống với một hỗn hợp rối loạn ngôn ngữ diễn đạt và tiếp thu. Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết hoặc kém diễn đạt ngôn ngữ không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của rối loạn ngôn ngữ. Điều này có thể đơn giản là kết quả của việc chậm nói. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các dạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em:
Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận
🍀Khi một đứa trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu các thông điệp được truyền đạt đến chúng hoặc các thông điệp giao tiếp xung quanh chúng. Những đứa trẻ gặp khó khăn về khả năng tiếp thu thường sẽ bộc lộ những khó khăn này trước 4 tuổi.
🍀Trẻ gặp khó khăn để hiểu các cuộc trò chuyện được nói hoặc các hướng dẫn xung quanh chúng. Tương tự như vậy, trẻ cũng rất khó để hiểu các từ được viết ra, những cử chỉ đơn giản như đến, đi hoặc ngồi yên.
Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt
🍀 Khi một đứa trẻ không thể sử dụng ngôn ngữ (lời nói, văn bản, cử chỉ) để truyền đạt suy nghĩ hoặc cảm xúc của mình.
🍀Trẻ bị rối loạn diễn đạt sẽ cảm thấy khó khăn khi gọi tên đồ vật, kể chuyện hoặc thực hiện các cử chỉ để truyền đạt điều gì đó. Rối loạn này có thể gây ra những khó khăn khi hỏi hoặc trả lời câu hỏi, và có thể dẫn đến việc sử dụng ngữ pháp không đúng khi giao tiếp.
Biểu hiện của Rối loạn ngôn ngữ
Rối loạn ngôn ngữ thường được xem là rối loạn phát triển và các yếu tố gây ra rối loạn ngôn ngữ vẫn chưa được biết rõ. Một số yếu tố được xem là có liên quan đến rối loạn ngôn ngữ như:
❌Trẻ em có các vấn đề phát triển khác như rối loạn phổ tự kỷ, khiếm thính và khuyết tật học tập.
❌Tổn thương phần não chịu trách nhiệm về ngôn ngữ, bị các bệnh lý như nhiễm trùng não, chấn thương não cũng có thể gây ra chứng mất ngôn ngữ
❌Dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, hội chứng X dễ vỡ hoặc bại não
❌Các vấn đề trong thời kỳ mang thai hoặc khi sinh, chẳng hạn như dinh dưỡng kém, hội chứng nghiện rượu ở thai nhi, sinh sớm (thiếu tháng) hoặc sinh con nhẹ cân
❌Đôi khi rối loạn ngôn ngữ có tiền sử gia đình.
Lưu ý rằng, việc học nhiều hơn một ngôn ngữ không gây ra rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em, nhưng trẻ có thể không theo đúng các mốc phát triển giống như những trẻ chỉ học một ngôn ngữ. Và một đứa trẻ bị rối loạn ngôn ngữ sẽ có những vấn đề giống nhau ở tất cả các ngôn ngữ.
Rối loạn ngôn ngữ khác với chậm phát triển ngôn ngữ. Với chậm phát triển ngôn ngữ, đứa trẻ vẫn phát triển lời nói và ngôn ngữ giống như những đứa trẻ khác nhưng muộn hơn. Trong rối loạn ngôn ngữ, lời nói và ngôn ngữ không phát triển bình thường. Đứa trẻ có thể có một số kỹ năng ngôn ngữ, nhưng không có kỹ năng khác. Hoặc, cách thức phát triển các kỹ năng này sẽ khác với bình thường.
Các triệu chứng của trẻ bị rối loạn ngôn ngữ có thể từ nhẹ đến nặng. Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ tiếp thu gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ. Các triệu chứng của rối loạn ngôn ngữ tiếp thu bao gồm:
✅Khó hiểu những gì người khác nói
✅Khó thực hiện theo các chỉ dẫn bằng lời nói của người khác
✅Gặp vấn đề trong việc sắp xếp/ tổ chức suy nghĩ
Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ diễn đạt có vấn đề trong việc sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt suy nghĩ hoặc nhu cầu. Một số đặc điểm nổi bật:
✅Gặp khó khăn trong việc ghép các từ lại với nhau thành câu, hoặc trẻ
✅Sử dụng các từ đơn giản và ngắn khi nói
✅Diễn đạt câu mà trật tự từ bị đảo lộn (ví dụ: chủ ngữ và vị ngữ bị đảo lộn, con ăn cơm -> ăn cơm con)
✅Khó khăn trong việc tìm từ thích hợp khi nói chuyện và thường sử dụng các từ giữ chỗ như “ừ, ờ…”
✅Có vốn từ vựng thấp hơn đáng kể so với mức độ phát triển của lứa tuổi
✅Bỏ sót từ trong câu khi nói chuyện với người khác
✅Lặp lại các cụm từ, một phần hoặc cả câu hỏi khi trả lời
✅Sử dụng các thì (quá khứ, hiện tại, tương lai) không đúng cách
Định hướng hỗ trợ từ cha mẹ/ người chăm sóc cho trẻ
Do các vấn đề về ngôn ngữ nên những đứa trẻ có rối loạn ngôn ngữ có thể gặp khó khăn trong môi trường xã hội. Nó thực sự có những ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của một đứa trẻ, có thể dẫn đến tương tác xã hội kém hoặc phụ thuộc vào người khác khi trưởng thành. Đôi khi, rối loạn ngôn ngữ có thể là một phần nguyên nhân của các vấn đề cảm xúc và hành vi nghiêm trọng. Những khó khăn của trẻ trong tiếp nhận và diễn đạt cũng có thể gây ra các khó khăn về khả năng đọc hoặc các vấn đề khác trong học tập.
Để xác định xem trẻ có bị rối loạn ngôn ngữ hay không, bước đầu tiên là trẻ cần được đánh giá về tình trạng bởi các chuyên gia (bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhi). Hơn nữa, trẻ em có vấn đề về ngôn ngữ thường cần thêm sự trợ giúp và hướng dẫn đặc biệt do đó vai trò của cha mẹ/ người chăm sóc trong gia đình là rất quan trọng.
Rối loạn ngôn ngữ là một tình trạng khó khăn có ảnh hưởng đến cảm xúc của cả trẻ lẫn cha mẹ/ người chăm sóc. Để kiểm soát tình trạng này, cha mẹ / người chăm sóc nên kiên nhẫn và cẩn thận khi hỗ trợ trẻ. Các vấn đề ngôn ngữ có thể khiến trẻ cảm thấy thất vọng khi trẻ muốn thể hiện bản thân và giao tiếp với người khác. Cha mẹ/ người chăm sóc có thể cung cấp một môi trường thoải mái và an toàn cho trẻ bằng một số biện pháp hỗ trợ dưới đây:
🌟Giúp trẻ cảm thấy mình được yêu thương, được chấp nhận và trẻ cảm thấy mình quan trọng: dành thời gian cho trẻ (học tập, chơi, thực hiện các hoạt động hàng ngày), đánh giá cao, khen ngợi bất kỳ thành công nào trẻ đạt được trong quá trình học tập.
🌟Giữ kỳ vọng phù hợp với khả năng của trẻ
🌟Nói chuyện với trẻ thường xuyên về những gì đang diễn ra ngay cả khi trẻ dường như không hiểu. Điều chỉnh tốc độ, giọng điệu và nội dung lời nói (nói chậm, ngắn gọn).
🌟Cúi xuống ngang tầm mắt của trẻ, nhìn vào trẻ và đáp lại những gì trẻ nói để trẻ biết rằng mình được lắng nghe.
🌟Giao tiếp với trẻ bằng cả hành động, hình ảnh và lời nói thay vì chỉ sử dụng lời nói.
🌟Đơn giản hóa mọi thứ ở nhà (vị trí đồ chơi, thời gian ngủ, ăn uống, học tập…) để có thể giúp trẻ bớt cảm thấy quá tải.
Thông tin liên hệ
☎️_HOTLINE: 0978. 578 .595_
Ths- Tâm lý học đường, Chuyên gia lượng giá khó khăn học tập Cô ThS Bùi Thị Huệ
📧Email: trilieualpha@gmail.com
📧 Email: buihue2509@gmail.com
CƠ SỞ 1: Số 41 đường D3, Khu Dân cư Nam Long, P. Phước Long B- TP Thủ Đức.
CƠ SỞ 2: Số 379 đường Man Thiện, P. Tăng Nhơn Phú A- TP Thủ Đức
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
How Are Children Affected by Language Disorders? (2022, March 17). Verywell Mind. Retrieved September 29, 2022, from https://www.verywellmind.com/language-disorders-definition-types-causes-remedies-5220386
American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). https://doi-org.ezproxy.frederick.edu/10.1176/appi.books.9780890425596
Language disorders in children. (n.d.). Retrieved September 30, 2022, from https://medlineplus.gov/ency/article/001545.htm#:%7E:t
Volkmar, F. R. (Ed.). (2021). Encyclopedia of autism spectrum disorders. Cham: Springer International Publishing.
Language Disorders – Developmental and Behavioral Pediatrics – Golisano Children’s Hospital – University of Rochester Medical Center. (n.d.-b). Retrieved September 30, 2022, from https://www.urmc.rochester.edu/childrens-hospital/developmental-disabilities/conditions/language-disorders.aspx
Language disorders in children. (n.d.-b). Retrieved September 30, 2022, from https://medlineplus.gov/ency/article/001545.htm#:%7E:t
Braaten, E., PhD. (2022b, September 24). How to Support Children with Language Processing Disorders: A Parent’s Guide. ADDitude. Retrieved October 5, 2022, from https://www.additudemag.com/language-processing-disorder-support-guide-parents/
Tips for Parents on Learning at Home – Communicative Disorders. (n.d.). Communicative Disorders – University of Alabama College of Arts & Sciences. Retrieved October 5, 2022, from https://cd.ua.edu/shc-original/tips-for-parents-on-learning-at-home/